PHỤC SINH

Trong vòng 24 tiếng đồng hồ, khắp Giê-ru-sa-lem nhận ra sự kiện phục sinh. Người trong thành sáng hôm đó ai nấy đều sửng sốt. Lại có động đất, cuộc động đất hai ngày trước đó đã làm rung chuyển Đền thờ, rồi suốt trong ba giờ liền bão cát nổi lên, tiếp đó lại động đất. Khi các bà là những người đầu tiên tri hô lên không còn thấy xác, người nghe coi đó là chuyện nhảm. Nhưng đến chiều tối thì chẳng còn ai ngờ gì nữa, nhất là trong đám môn đệ.  Đức Giê-su đã hiện ra với hai trong số các môn đệ trên đường đi Ê-mau và đã tỏ mình cho họ biết. Lịch sử đạo Ki-tô như là lịch sử của một niềm tin khởi đầu từ giây phút này.

Giê-ru-sa-lem đã biết đến sự kiện sớm hay muộn, ta không rõ. Ta chỉ biết qua kết luận của Mat-thêu rằng, cả sau cuộc hiện ra cuối cùng của Chúa trên núi Si-nai – Đấng bị đóng đinh đã sống lại và nói: “Mọi quyền năng đã được trao cho Ta” – thì vẫn còn có những kẻ không tin. Sứ điệp phục sinh luôn gặp phải ngờ vực và chối bỏ, cho dù nó là một sứ điệp chiến thắng, sứ điệp vượt thắng hoài nghi.

Đức Ki-tô đã ra khỏi thế gian và ra khỏi cuộc sống thế gian để mặc lấy một thân xác mới. Thân xác này không còn bị lệ thuộc bởi các quy luật vật lí; nó thuộc về thế giới thiên chúa, từ thế giới đó Ngài tỏ mình ra cho con người và mở lòng họ, để họ nhận ra và đụng chạm được Ngài. Chúng ta luôn được mời gọi, cùng với “tông đồ không tin” Tô-ma, sờ vào Ngài và nhận ra cái hiện tại sống động mà Ngài luôn tỏ mình ra một cách mới trong lịch sử.

Biến cố phục sinh là một cái gì mới đi vào trần thế, và từ đó Giáo Hội đã có thể hình thành. Và trong thực tế, phục sinh là cộng đoàn của những người tin vào Đức Ki-tô, cộng đoàn của Dân thiên chúa mới.

Thập giá, biểu tượng linh thiêng nhất của vũ trụ, như Guardini đã nói, đã trở thành dấu chỉ của ki-tô hữu. Thập giá với một người bị đóng đinh – là một biểu tượng gây khó chịu, tạo chống đối. Ngay Phao-lô đã phải cảnh giác: Đừng làm cho thập giá trở nên vô nghĩa, đừng đặt ngang hay dựng đứng nó, đừng biến cái hơn của Chúa ra cái kém của thế giới.

Thật ra đó là một câu chuyện có một không hai. Thập giá không những là nơi kết thúc sứ điệp và chính thân xác thịt máu của  Đức Giê-su. Chính nó đã trở thành biểu tượng cứu độ, biểu tượng không phải của sự chết, mà là sự sống. “Gỗ của sự sống thật” thánh An-rê ở Giê-ru-sa-lem đã hát lên như thế. Điều trớ trêu: Qua thập giá tới cứu độ.

Những bức ảnh chịu nạn xưa mô tả người bị đóng đinh đồng thời cũng là kẻ sống lại, là vua. Hình người trên đó mở mắt, để cho thấy bản chất không chết của Thiên Chúa, nhưng Ngài sống mãi và trao tiếp sự sống. Như vậy, từ một công cụ hành hình xấu xa của người Rô-ma, thập giá đã trở nên dấu chỉ chiến thắng của Con Người. Dấu chỉ đó sẽ không chỉ đến với ta trong ngày sau hết, nhưng nó đã tới, qua việc Ngài đến với ta như một kẻ chiến thắng và mang ta đi. Cùng với Ngài ta lên đường tiến về Thiên Chúa hằng sống; qua nỗi đau khổ của Ngài ta thấy niềm an ủi của tình yêu thiên chúa, tình yêu này mạnh hơn đau khổ.

Như vậy, thập giá thật sự đã trở thành một dấu chỉ cứu độ, dấu chỉ vắn gọn của  Đức Giê-su Ki-tô, qua đó chúng ta nối kết với Ngài.

Các môn đệ ở Giê-ru-sa-lem quả đã bị một cú xốc lớn: Đấng Thiên Sai, Đấng đã có thể chữa lành người mù và khiến kẻ chết sống lại, bỗng dưng hiện thân như một kẻ bị sỉ nhục, bị dày đạp và bị đám tay sai quyền lực treo lên thập giá. Điều tuyệt đối không thể giải thích được: Tại sao Thiên Chúa lại phải đau đớn và chết, mới cứu được tạo vật của Ngài?

Đó là bí ẩn của Thiên Chúa: Ngài không đi vào trần thế để cải tạo công bằng xã hội bằng quyền lực. Ngài đã vì ta hạ mình và để cùng đau khổ với ta.

Ta sẽ không bao giờ hiểu hết được bí ẩn đó. Và dù vậy, cái tích cực nhất mà ta biết được về Chúa, là Ngài không đơn giản cai trị bằng quyền lực. Thiên Chúa có lối sử dụng quyền lực riêng, không như lối của con người. Quyền lực của Ngài là sức mạnh cùng yêu và cùng khổ, và khuôn mặt thật của Ngài tỏ lộ ra chính trong đau khổ. Thiên Chúa mang nỗi bất công của thế giới trong đau khổ, nhờ đó chính trong những giờ phút đen tối ta có thể chạy tới cùng Ngài là kẻ gần với ta nhất.

Thiên Chúa trở nên bé nhỏ, để ta có thể nắm bắt được Ngài. Để cho con người học được nguyên tắc sống chống lại thói kiêu căng và muốn làm trời của họ. Ngài tới như một người sờ đúng trái tim ta.


 


[1] Händel (1685 – 1759): nhạc sĩ sáng tác người Đức, đặc biệt nổi tiếng với nhiều vở nhạc kịnh, trong đó có vở „Messias“.

[2] Edith Stein (1891 – 1942): người Đức gốc Do thái, triết gia, môn sinh của nhà hiện tượng học Edmund Husserl. Vào đạo công giáo, sau khi đọc cuốn sách tự thuật của thánh Teresa ờ Avila, và trở thành nữ tu dòng. Chết trong lò thiêu của Quốc-xã Đức. Năm 1998 được giáo chủ Gio-an Phao-lô II nâng lên bàn thánh.

[3] Karl Jaspers (1883 – 1969): Triết gia và nhà phân tâm người Đức. Vì vợ là người Do-thái, nên bị Quốc-xã cấm dạy học, và đã di cư sang Thụy-sĩ sống, dạy học.

[4] Patrick (khoảng 385 – 461): Thánh bổn mạng của Ái-nhĩ-lan. Dân Ái-nhĩ-lan tôn ngài là „tông đồ“, vì ngài đã đưa đạo tới cho họ.